Tìm kiếm Blog này

VẨY NẾN GÂY KHÓ CHỊU DA ĐẦU



Không đến nỗi làm cho bệnh nhân đau đớn, không đe dọa tính mạng người bệnh, nhưng bệnh vảy nến da đầu (VNDĐ) gây cho người bệnh sự khó chịu do ngứa ngáy, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí gây những chấn thương tâm thần bởi cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng, muốn xa lánh bạn bè, cách ly xã hội. Mới đây, Hội nghị khoa học về đối phó với những thách thức của bệnh VNDĐ đã được tổ chức tại Hà Nội.

Vảy nến da đầu gây khó chịu, mất tự tin cho người bệnh.
Nhận diện kẻ thù

Vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính và da đầu là một trong những khu vực bị ảnh hưởng thường xuyên nhất với sự tróc vảy và những mảng vảy nến sưng đỏ. Nó dai dẳng hơn vảy nến ở những vùng khác trên cơ thể. Dấu hiệu đặc trưng của VNDĐ là hiện tượng tróc vảy, có nhiều sưng đỏ thành từng vùng có ranh giới rõ ràng, dễ nhận thấy dọc theo mép tóc, trên trán hoặc sau tai. Nếu không được điều trị, sẽ thường làm xuất hiện các miếng vảy màu trắng bạc và bóng giống như paraffin.

Theo TS. Nguyễn Duy Hưng - Tổng thư ký Hiệp hội Bệnh vảy nến, mấy năm gần đây tỉ lệ bệnh nhân tới điều trị bệnh da đầu ngày càng cao. Nhiều người đến trong tình trạng tổn thương nặng do tự bôi thuốc hoặc sử dụng những bài thuốc dân tộc cổ truyền theo sự mách bảo của người quen. Với bệnh VNDĐ, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý người bệnh mà còn có thể liên quan đến một số bệnh lý quan trọng khác: hội chứng chuyển hóa, bệnh lý tim mạch... dẫn đến tình trạng tuổi thọ thấp.

VNDĐ - Bệnh không của riêng quốc gia nào

Tại hội thảo, GS. Thomas Luger - Giám đốc, Chủ tịch khoa Da, Trường đại học Westphalian Wihelons, Munster (Đức), Chủ tịch Hội da của Đức cho biết một thông tin thú vị: tỉ lệ mắc bệnh vảy nến ở châu Âu (da trắng) cao hơn châu Á, châu Phi (da vàng, da đen). Ở Đức, vảy nến là một trong các bệnh da phổ biến nhất, VNDĐ chiếm khoảng 50% bệnh nhân vảy nến và là một thách thức lớn vì da đầu là vùng rất khó điều trị. Bệnh VNDĐ thường phát triển ở độ tuổi sau dậy thì, nhưng ngày nay bệnh nhân là trẻ em cũng nhiều. Ở Đức, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh VNDĐ khoảng 1%, bệnh nhân độ tuổi này điều trị rất khó vì các thuốc dùng hiện nay đều được khuyến cáo chỉ dùng cho trẻ em từ 10 tuổi trở lên. Bệnh VNDĐ thường phát triển vào mùa đông, không khí khô hanh thường kích hoạt vảy nến phát triển. Đặc biệt bệnh nhân ở tình trạng căng thẳng thần kinh cũng là nguyên nhân bùng phát bệnh vảy nến.

GS. Thomas cũng thông báo kết quả nghiên cứu sự kết hợp giữa calcipotriol và betamethasone dipropionate trong công thức dạng gen để điều trị VNDĐ. Sự kết hợp giữa hai hoạt chất này là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, các phản ứng phụ rất thấp, hiệu quả lâm sàng được cải thiện rõ rệt, hoàn toàn thích hợp cho việc quản lý bệnh VNDĐ trong thời gian điều trị lâu dài.



Tổn thương vảy nến trên da.


Đối phó thách thức của bệnh VNDĐ

Tại hội thảo, TS. Trần Văn Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện nay cả nước có 800 bác sĩ chuyên khoa da liễu trình độ khác nhau, chủ yếu tập trung ở thành phố. Tỉ lệ 800 bác sĩ/83 triệu dân là quá thấp. Nhiều bệnh nhân đã tự ý xử lý bệnh của mình không theo sự chỉ định của bác sĩ hoặc theo kinh nghiệm dân gian truyền cho nhau, chẳng hạn như dùng vảy tê tê. Theo TS. Trần Văn Tiến, chưa có kết luận khoa học về tác dụng của vảy tê tê trong điều trị bệnh vảy nến, có thể nó chỉ có tác dụng điều trị tại chỗ bên ngoài.

Lời khuyến cáo của các bác sĩ là bệnh nhân khi có triệu chứng của bệnh vảy nến cần phải đi khám để xác định thể bệnh vì một số bệnh ngoài da rất giống bệnh vảy nến. Điều trị bệnh vảy nến phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da tổn thương, các thuốc bệnh nhân đã sử dụng...

Thực tế hiện nay, bệnh nhân VNDĐ không mấy hài lòng với những liệu pháp chữa trị hiện có và mong muốn có sự giảm việc sử dụng thuốc trong các liệu pháp điều trị mới đối với bệnh này. Một trong những cách để tăng sự tuân thủ đối với liệu pháp điều trị bệnh VNDĐ là việc cải thiện việc sử dụng thuốc, mang lại tính hiệu quả cao so với những liệu pháp hiện có.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Duy Hưng cho rằng, điều trị bệnh vảy nến phải dựa vào từng trường hợp cụ thể vì có một số thuốc điều trị tốt nhưng lại gây tác dụng xấu đến các bệnh khác. Dựa trên 7 yếu tố để chỉ định điều trị phù hợp: mức độ bệnh, diện tích thương tổn; sự ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng sống; mức độ ảnh hưởng của bệnh đến tâm lý người bệnh; mức độ nguy hại của trị liệu với hiệu quả trị liệu; các bệnh lý toàn thân; nhu cầu và mong muốn điều trị của người bệnh; giá thành trị liệu để đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn thuốc: dễ sử dụng; thuận tiện; an toàn; hiệu quả nhanh và lâu dài.

Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân đích thực của bệnh vảy nến, người ta chia ra các nhóm bệnh với những nguyên nhân khác nhau: cơ địa (gen di truyền: nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì có tới 41% con mắc bệnh); yếu tố khởi động (mắc các bệnh nhiễm khuẩn, sang chấn tâm lý, sang chấn tại chỗ...); rối loạn miễn dịch.

Hương Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét