Ai dễ mắc, có di truyền?
Bệnh vảy nến biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ
có giới hạn rõ và đóng vảy. Khi đè lên thì màu đỏ này biến mất. Các mảng đỏ từ
vài cm đến hàng chục cm, có phủ vảy màu trắng đục mà khi cạo ra thì nó rớt vụn
giống như sáp đèn cầy. Các thương tổn này được phân bổ đối xứng ở rìa chân tóc,
da đầu, cùi chỏ, đầu gối, vùng xương cụt. Bệnh không đau, có thể có ngứa với
mức độ ít nhiều tùy theo từng người
Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây hư móng,
đau khớp, biến dạng khớp, nổi mủ từng vùng hoặc toàn thân và làm cả người
bị đỏ da không hồi phục.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi (từ trẻ sơ sinh đến các
cụ già với tỷ lệ nam và nữ ngang nhau). Bệnh này có tính di truyền, nếu trong
gia đình chỉ có hoặc cha hoặc mẹ bị thì khoảng 8% con sẽ mắc bệnh, còn
nếu cả cha và mẹ cùng bị vảy nến thì tần suất các con mắc bệnh là 41%.
Bệnh không lây, nhưng chữa không hết
Yếu tố miễn dịch được cho là nguyên nhân chính
gây ra bệnh vảy nến. Thêm vào đó, yếu tố di truyền, các bất thường về sinh hóa,
chấn thương tâm lý, thuốc... cũng là các yếu tố gây khởi phát, tái phát hoặc
làm bệnh nặng thêm. Bệnh này không lây lan. Nhưng các yếu tố làm bệnh nặng hơn
là nhiễm liên cầu trùng, nhiễm siêu vi trùng, stress, chấn thương tâm lý... Do
nguyên nhân sinh bệnh phức tạp, vảy nến là một trong những bệnh về da khó
chữa hết hẳn. Việc tái phát bệnh thường gây chán nản trong tâm lý người bệnh.
Việc trị liệu chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp thuyên giảm các
biểu hiện ngoài da, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó chữa như
tổn thương khớp, vảy nến mủ hoặc bệnh cảnh đỏ da toàn thân.
Việc phòng bệnh nhằm giúp ngăn chặn sự trầm
trọng của bệnh hơn là ngăn bệnh không xảy đến với mình. Biết cách chế ngự
stress, giữ cho sức khỏe tốt, trị vảy nến ngay từ khi thương tổn da còn ít theo
các hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa là những việc làm mang lại hiệu quả
tốt.
Bệnh nhân phải hiểu được tinh thần sống chung
với bệnh, rèn luyện thể lực, vui chơi giải trí lành mạnh, ăn uống đầy đủ dưỡng
chất vì người có bệnh thường bị mất đạm qua lượng vảy tróc ra hằng ngày. Chỉ
dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, không được tự trị lấy!
BS Võ Thị Bạch Sương
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét